Các mô hình kinh tế và các tác nhân

Các mô hình kinh tế là công cụ phân tích được sử dụng trong kinh tế học để mô phỏng và giải thích các tác nhân và quá trình hoạt động trong hệ thống kinh tế.

Các mô hình kinh tế và Các tác nhân

I. Các mô hình kinh tế

Tùy theo cách thức giải quyết ba vấn đề kinh tế lớn, người ta phân chia các mô hình kinh tế của xã hội như sau:

1. Mô hình kinh tế truyền thống

Đây là mô hình kinh tế tự nhiên đã xuất hiện từ thời kỳ công xã nguyên thuỷ, ở đó việc sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai là hoàn toàn theo tập quán được truyền lại từ trước. Kinh tế kiểu tự cấp, tự túc khác đều là những biểu hiện của mô hình kinh tế tự nhiên, và ngày nay có những nơi vẫn còn tồn tại mô hình này. Trong mô hình kinh tế tự nhiên, chỉ có một tác nhân duy nhất đóng hai vai trò: vừa là người sản xuất, vừa là người tiêu dùng.

2. Mô hình kinh tế thị trường tự do

Được hình thành và phát triển ở hầu khắp các nước tư bản chủ nghĩa, từng được xem là một phát minh vĩ đại trong tổ chức sản xuất của xã hội loài người. Trong nền kinh tế này, thị trường tự do quyết định tất cả, mệnh lệnh cho các chủ thể kinh tế là giá cả trên thị trường. Các quyết định về vấn đề sản xuất cái gì, bao nhiêu, phân phối như thế nào đều được thực hiện thông qua thị trường. Ví dụ: thị trường ra mệnh lệnh để sản xuất quần áo, lương thực, xe máy.... với số lượng nhiều hay ít, cũng chính thị trường ra lệnh cho người sản xuất loại bỏ bớt lao động và thay thế bằng máy móc để sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Còn trong lĩnh vực phân phối, thị trường đặt ra nguyên tắc phân phối qua thu nhập bằng tiền và giá cả. Mô hình kinh tế này phản ánh tác động qua lại giữa các tác nhân kinh tế chủ yếu thị trường gồm: hộ gia đình (H) và các hãng kinh doanh (F), cùng những lợi ích của họ. Sự tương tác giữa họ tạo nên vòng luân phiên chuyển kinh tế vi mô đơn giản. Có hai mô hình kinh tế vi mô:

- Vòng luân chuyển kinh tế của các hãng kinh doanh (F) và hộ gia đình (H):

Hình 1.1. Vòng luân chuyển kinh tế

Hình 1.1. Vòng luân chuyển kinh tế

- Cung trên: Hộ gia đình quyết định tiêu dùng và đó là cơ sở để các hãng quyết định sản xuất. Hộ gia đình là tác nhân quyết định vòng luân chuyển kinh tế vi mô. Hộ gia đình sử dụng thu nhập do bán tư liệu sản xuất (lao động, đất, vốn) để mua hàng hóa và dịch vụ từ các hãng sản xuất ra. Hãng kinh doanh sử dụng thu nhập từ việc bán hàng để mua nguồn dự trữ cho sản xuất.

- Cung dưới: Quyết định của hộ gia đình được đáp ứng trên cơ sở kế hoạch sản xuất của hãng kinh doanh phối hợp với các nguồn dự trữ khan hiếm.

Sự vận động cần phải được phối hợp trên cả hai thị trường: thị trường nguồn dự trữ của sản xuất với thị trường hàng hóa và dịch vụ.

- Mô hình cung - cầu trên thị trường: giải thích mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa khu vực kinh doanh với khu vực tiêu dùng. Hai khu vực tác động lẫn nhau theo nguyên tắc mua - bán trên thị trường. Các quyết định phối hợp trên thị trường sẽ thiết lập giá cả cân bằng và sản lượng cân bằng. Giá cả thị trường là kết quả tác động qua lại giữa cung và cầu.

- Vai trò của giá cả: Giá cả là thông tin cần thiết để tiếp nhận các quyết định của chủ thể kinh tế; là thông tin quan trọng để quyết định phân phối nguồn lực khan hiếm; thông qua giá cả có thể xác định thu nhập của chủ sở hữu; tín hiệu giá cả còn định hướng cho người tiêu dùng, các nhà sản xuất hay các chủ thể tầm nhìn, kế hoạch dài hạn để đảm bảo phối hợp tốt nhất các mô hình kinh tế và các quyết định kinh tế.

3. Mô hình kinh tế chỉ huy

Còn gọi là kinh tế mệnh lệnh (hay kế hoạch hóa tập trung) là tổ chức kinh tế trong đó ba vấn đề lớn của nền kinh tế được giải quyết theo mệnh lệnh từ một trung tâm chỉ huy. Mô hình kinh tế này đã từng tồn tại ở Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây: đặc trưng của sản xuất là tuân theo chỉ tiêu mệnh lệnh chỉ huy từ một trung tâm. Quyết định về số lượng, phương thức sản xuất, chủng loại sản phẩm, thực hiện việc phân phối sản phẩm cho xã hội thông qua các kế hoạch tập trung và thống nhất từ Chính phủ xuống cơ sở. Mô hình này có ba tác nhân: Chính phủ, hộ gia đình và các hãng kinh doanh.

4. Nền kinh tế hỗn hợp và vai trò của các tác nhân kinh tế

Mỗi mô hình kinh tế nêu trên đã từng chiếm vai trò thống trị trong một hay một số xã hội trong một thời kỳ dài. Tuy nhiên, trong các điều kiện hiện đại, hầu hết các nền kinh tế của các quốc gia khác nhau đều mang tính chất hỗn hợp, đó là mô hình kinh tế thị trường tự do và kinh tế chỉ huy kết hợp với vai trò kinh tế của Nhà nước. Do đó, có thể gọi đó là những nền kinh tế hỗn hợp. Nếu kinh tế thị trường được điều tiết bằng bàn tay vô hình của thị trường tự do thì nền kinh tế hỗn hợp hiện đại được điều tiết bằng cả hai bàn tay: bàn tay vô hình của thị trường tự do và bàn tay hữu hình của Nhà nước.

Nền kinh tế hỗn hợp và vai trò của các tác nhân kinh tế

+ Nền kinh tế hỗn hợp có bốn nhóm tác nhân kinh tế sau đây:

* Hộ gia đình (Households) bao gồm tất cả các cá nhân, tổ chức xã hội và người tiêu dùng. Họ mua các hàng hoá và dịch vụ đế thỏa mãn những nhu cầu tiêu dùng của mình về ăn. mặc, ở, đi lại. học tập, chăm sóc sức khoẻ và giải trí... Hộ gia đình có vai trò rất to lớn trong nền kinh tế, họ đưa ra các tín hiệu chủ yếu và thường xuyên cho các quyết định của hãng về sản xuất cái gì, với số lượng bao nhiêu. Người tiêu dùng tuy rất đông về số lượng, mua và tiêu dùng cùng rất khác nhau, song vẫn có chung một điểm là mong muốn đạt lợi ích tiêu dùng tối đa trong điều kiện thu nhập có hạn. Bởi vậy, chính hộ gia đình đã đặt người sản xuất trước một sự lựa chọn kinh tế: sản xuất được nhiều hàng hoá nhất, với chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm thấp nhất.

* Hãng kinh doanh (firms) bao gồm các nhà sản xuất và kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Vai trò của tác nhân hãng kinh doanh là sản xuất và cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho tiêu dùng của các cá nhân và xã hội. Họ mua hoặc thuê các yếu tố đầu vào của sản xuất chủ yếu từ các hộ gia đình để sản xuất và kinh doanh nhằm kiếm lợi nhuận. Các hãng kinh doanh đặt mục tiêu hoạt động là đạt được lợi nhuận tối đa trong điều kiện các nguồn lực hạn chế. Bởi vậy, có thể nói hoạt động doanh nghiệp là một hoạt động mang tính lựa chọn: sản xuất cái gì, số lượng bao nhiêu, các kết hợp đầu vào và kỹ thuật sản xuất như thế nào là có lợi nhất...

Hai tác nhân chủ yếu của thị trường - hộ gia đình và hãng kinh doanh,tác động qua lại với nhau hình thành nên giá cả thị trường, nhờ đó mà các hàng hoá được trao đổi, mang lại lợi ích tối đa cho cả hai tác nhân. Tác động này tạo nên vòng luân chuyển kinh tế thị trường hay cơ chế thị trường. Một nền kinh tế chỉ có hai tác nhân nói trên được gọi là nền kinh tế thị trường tự do hay nền kinh tế giản đơn.

* Chính phủ (goverment) là một tác nhân kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế hiện đại, vai trò của Chính phủ rất to lớn. Chính phủ vừa là người tiêu dùng vừa là người sản xuất, cung cấp chủ yếu các hàng hoá và dịch vụ công cộng trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, giao thông vận tải thông tin liên lạc... Chính phủ trực tiếp tham gia tổ chức sản xuất hàng hoá, dịch vụ thông qua các cơ sở sản xuất của mình là các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, chức năng của Chính phủ là điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Thông qua các công cụ, chính sách, Chính phủ thực hiện ba chức năng chủ yếu sau đây:

Chức năng hiệu quả nhằm đảm bảo cho cơ chế thị trường được vận hành tốt nhất, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng giữa các tác nhân kinh tế,chống ảnh hưởng của độc quyền, can thiệp vào thị trường nhằm giảm bớt tính phi hiệu quả do các ngoại ứng gây ra... Chức năng hiệu quả của Chính phủ được thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống luật pháp do Nhà nước đặt ra.

- Chức năng ổn định vĩ mô nhằm duy trì sự phát triển của nền kinh tế trong mối quan hệ thích hợp giữa các vấn đề lớn như tăng trưởng, thất nghiệp và lạm phát. Thông qua các chính sách vĩ mô như chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, chính sách phân phối, chính sách kinh tế đối ngoại..., Chính phủ có thể tác động vào nền kinh tế nhằm giảm bớt ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, chống thất nghiệp và lạm phát, làm cho nền kinh tế phát triển trong ổn định.

- Chức năng công bằng nhằm điều tiết thu nhập của dân cư, tránh phân phối bất bình đẳng giữa các thành viên xã hội do cơ chế thị trường tự do gây ra cũng như những bất công xã hội trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ sử dụng công cụ chủ yếu là hệ thống thuế: thuế suất, thuế lũy tiến, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân làm giảm chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội, tạo điều kiện cho mọi thành viên xã hội được hưởng phúc lợi chung, trợ cấp và giúp đỡ các tầng lớp nghèo khổ nhất...

Ba tác nhân hộ gia đình (H), hãng kinh doanh (F), Chính phủ (G) cùng quan hệ và sự tác động qua lại giữa chúng tạo nên một nền kinh tế quốc dân hay nền kinh tế đóng.Trong nền kinh tế này, hai lực lượng thị trường tự do (tác động giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp) và Nhà nước (thông qua vai trò của Chính phủ) tác động qua lại lẫn nhau: thị trường xác định giá cả và sản lượng, còn Chính phủ thì điều tiết thị trường bằng các công cụ của mình. Ưu thế của mỗi lực lượng trong từng nước là khác nhau, tạo nên đặc điểm phong phú, đa dạng của các nền kinh tế thị trường trên thế giới.

* Tác nhân người nước ngoài tham gia vào nền kinh tế của một quốc gia tạo nên cơ chế kinh tế mở. Ngày nay, mỗi nền kinh tế quốc gia đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ tình hình phát triển kinh tế của nước ngoài, đều gắn bó không thể tách rời mối quan hệ quốc tế. Do đó, hoạt động của các hãng kinh doanh và chính sách kinh tế của mỗi quốc gia đều hướng tới quan hệ kinh tế quốc tế. "Tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được tăng cường và mở rộng" (Hồ Chí Minh).

II. Ảnh hưởng của mô hình tới các quyết định kinh tế

Mô hình kinh tế sẽ ảnh hướng tới việc lựa chọn kinh tế tối ưu - sự lựa chọn là do cách thức vận hành của từng mô hình kinh tế quyết định.

* Mô hình kinh tế truyền thống: Nguyên tắc lựa chọn được xác định bởi từng chủ thể kinh tế riêng biệt.

* Mô hình kinh tế thị trường: Sự lựa chọn bằng mệnh lệnh của giá cả trên thị trường.

* Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung: Mọi quyết định sản xuất do Nhà nước chi phối.

* Mô hình kinh tế thị trường hỗn hợp: Vận động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước.

Theo từng thời điểm cụ thể tất cả các mô hình kinh tế phối hợp thực hiện các quyết định. Toàn bộ hệ thống vận động đòi hỏi chi phí cho công việc của mình - đó là chi phí quản lý kinh doanh (transation cost). Chi phí cụ thể tồn tại trong từng mô hình và chính điều này tạo nên sự đa dạng của hệ thống phối hợp. Trong quá trình giải quyết các quyết định của chủ thể kinh tế sẽ làm nảy sinh thị trường hàng hóa tương lai hay còn gọi là thị trường đầu cơ (Futures market - speculaters).

Viết bình luận