Đầu vào và đầu ra của các quá trình kinh tế
Mục lục nội dung
Mối quan hệ giữa đầu vào với đầu ra của các hoạt động kinh tế là nhằm giải quyết các vấn đề khan hiếm. Các nguồn lực sản xuất có hạn, song nhu cầu của thị trường về hàng hóa và dịch vụ thì phong phú, đa dạng. Mọi nền kinh tế đều phải giải quyết ba vấn đề lớn: Sản xuất cái gì? Sản xuất cho ai? Sản xuất như thế nào? Nhưng những nền kinh tế khác nhau sẽ lựa chọn các phương án sản xuất sản phẩm khác nhau. Trong hoạt động sản xuất cũng cần phân biệt đầu vào và đầu ra giữa kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô.
1. Đầu vào và đầu ra trong kinh tế vi mô
Là tất cả những gì mà người ta phải sử dụng trong quá trình sản xuất trực tiếp. Kinh tế học thường chia các yếu tố sản xuất thành ba nhóm: Đất đai, lao động và tư bản.
* Đất đai (R) bao gồm toàn bộ diện tích đất dùng vào việc trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng nhà ở, kho tàng, đường xá giao thông hoặc sử dụng vào các mục đích khác, Yếu tố sản xuất còn bao gồm cả các tài nguyên thiên nhiên gắn liền với đất - tài nguyên trong lòng đất như than, sắt, dầu... và tài nguyên trên mặt đất như rừng cây, thác nước, núi đá... Trong quá trình sử dụng tài nguyên, con người có thể trực tiếp tạo ra hàng hoá từ các vật liệu tự nhiên hoặc sơ chế chúng thành nguyên, nhiên vật liệu tổng hợp để tạo thành các hàng hoá.
* Lao động (L) là yếu tố sản xuất gắn liền với bản thân con người. Lao động được hiểu là năng lực trí não, thần kinh, cơ bắp bao gồm toàn bộ kỹ năng, kỹ xảo, trình độ hiểu biết và tri thức mà người lao động có được và sử dụng chúng trong sản xuất. Đây là yếu tố sản xuất quan trọng nhất và không thể thiếu được của bất cứ quá trình lao động sản xuất nào.
* Tự bản (còn gọi là vốn - K) là tất cả những yếu tố vật chất như máy móc, thiết bị, đường sá, nhà xưởng, kho tàng, các phương tiện vận tải... được sản xuất ra để sử dụng vào việc sản xuất chứ không phải để tiêu dùng trực tiếp. Tư bản không phải là tiền hay các tài sản tài chính..., vì những thứ này không tham gia trực tiếp vào việc sản xuất ra các hàng hoá, dịch vụ.
Ngày nay, còn có yếu tố sản xuất vô hình như: quản lý, khoa học, công nghệ và những dịch vụ đầu vào khác như ngân hàng, vận tải, thương mại, bảo hiểm... Điều này giúp cho việc kết hợp các đầu vào trở nên có hiệu quả hơn, sản phẩm lao động thỏa mãn tốt hơn những nhu cầu ngày càng cao của con người và xã hội.
* Đầu ra trong kinh tế vi mô là kết quả của từng quá trình sản xuất riêng biệt. Đó là những sản phẩm cụ thể, được phân biệt với nhau theo từng ngành, từng lĩnh vực hoạt động sản xuất riêng biệt của con người tùy theo việc người ta sử dụng, những yếu tố đầu vào nào để sản xuất chúng hoặc bằng cách thức kết hợp các đầu vào đó như thế nào,chúng được gọi tắt là các hàng hóa và dịch vụ(goods and service)
Quan hệ giữa đầu vào với đầu ra được biểu diễn bằng hàm số sau:
Q = f(K.L)
Trong đó:
- Q là số lượng sản phẩm sản xuất ra;
- K (capital) là vốn;
- L (labour force) là lao động.
2. Đầu vào và đầu ra trong kinh tế vĩ mô
* Đầu vào trong kinh tế vĩ mô
- Chính sách kinh tế tác động, trên nhiều lĩnh vực như tiền tệ, thu và chi ngân sách của Chính phủ, phân phối thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, hoạt động xuất nhập khẩu và điều tiết tỷ giá hối đoái...
- Nhóm yếu tố bên ngoài lĩnh vực kinh tế như thời tiết, chiến tranh hay chính trị là những yếu tố vận động độc lập với các chính sách kinh tế nhưng lại không thể bỏ qua sự tác động của chúng đối với toàn bộ nền kinh tế của một nước.
Nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào cũng đều vận động trong sự tác động tổng hợp của các yếu tố trong lĩnh vực kinh tế và các yếu tố ngoài lĩnh vực kinh tế, vừa phụ thuộc lại vừa không phụ thuộc vào tính toán của những chủ thể kinh tế, là chủ thể Nhà nước hay chủ thể doanh nghiệp.
* Đầu ra của kinh tế vĩ mô
Gồm các nhóm khác nhau như: nhóm sản lượng chung - sản lượng quốc gia (Y), nhóm việc làm (Er), nhóm giá cá chung (CPI), nhóm các quan hệ kinh tế quốc tế (Ex, Im) của một nước. Những kết quả tổng hợp này sẽ được đo lường bởi các chỉ tiêu (thước đo) tổng hợp như tỷ lệ tăng trưởng (Gr), tỷ lệ thất nghiệp (ư), tỷ lệ lạm phát (gp) ... phản ánh tình trạng phát triển nói chung của cả nền kinh tế ở mỗi giai đoạn.
Viết bình luận