Khả năng sinh lời từ hoạt động trong doanh nghiệp
Mục lục nội dung
Đánh giá khả năng sinh lời từ hoạt động, thực chất là so sánh kết quả thu được từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ với doanh thu thuần về những hoạt động này trong cùng một niên độ kế toán. Khi đánh giá khả năng sinh lời từ hoạt động, có thể sử dụng các chỉ tiêu sau đây:
1. Tỷ suất lợi nhuận gộp
Tỷ suất lợi nhuận gộp là kết quả so sánh giữa lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ với doanh thu thuần. Công thức tính như sau:
TSG= \(\frac{{{L_{NG}}}}{{{D_T}}}\) x 100%
Trong đó: TSG: Tỷ suất lợi nhuận gộp
- LNG: Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ
- Dt: Doanh thu thuần
Tỷ suất này cho thấy sự hoàn thiện của doanh nghiệp về mặt sản xuất và lưu thông, cũng như năng lực tạo nguồn vốn bằng tiền. Nếu tỷ suất lợi nhuận gộp giảm, có nghĩa là khả năng sinh lời kém. Nếu mức giảm lớn hơn thì chứng tỏ tình hình tài chính của doanh nghiệp đã xuống cấp nghiêm trọng. Thông thường, để tồn tại và phát triển, đòi hỏi tỷ suất này ít nhất cũng phải cao hơn các doanh nghiệp trong những ngành phải đầu tư lớn vào tài sản cố định.
2. Tỷ suất lợi nhuận thuần
Tỷ suất lợi nhuận thuần cho biết tỷ trọng kết quả chiếm trong tổng các hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, hoạt động tài chính. Nó là kết quả so sánh giữa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh với doanh thu thuần.
Công thức tính như sau:
TST= \(\frac{{{L_{NT}}}}{{{D_T}}}\) x 100%
Trong đó: TST: Tỷ suất lợi nhuận thuần
- LNT: Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh
- Dt: Doanh thu thuần
Tỷ suất lợi nhuận thuần là thước đo chỉ rõ năng lực của doanh nghiệp trong việc sáng tạo ra lợi nhuận và năng lực cạnh tranh. Thực vậy, nếu chi phí cá biệt tăng, theo quy luật cạnh tranh doanh nghiệp không thể tăng giá bán mà phải giảm lợi nhuận của họ. Ngược lại nếu giá bản giảm, doanh nghiệp vẫn phải tìm mọi cách đảm bảo thu được lợi nhuận thuần để cho việc giảm giá bán không dẫn đến thua lỗ. Tỷ suất lợi nhuận thuần được sử dụng để so sánh giữa các doanh nghiệp cùng loại hình, có điều kiện sản xuất kinh doanh tương tự nhau.
Phương pháp phân tích: so sánh giữa kỳ này với kỳ trước của từng chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời hoạt động đồng thời xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến các chỉ tiêu đó. Đi sâu nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng và xem xét xu hướng biến đổi của các nhân tố có thể đánh giá và dự báo hoạt động doanh nghiệp tiến hành có khả năng sinh lời hay không, là cao hay thấp, năng lực cạnh tranh và tìm kiếm lợi nhuận ở doanh nghiệp như thế nào.
Viết bình luận