Phân tích điểm hòa vốn
Điểm hoà vốn là một điểm mà tại đó doanh thu bán hàng bằng chi phí bỏ ra (bằng tổng chi phí cố định và chi phí biến đổi) hay nói cách khác là điểm mà tại đó lợi nhuận bằng không.
Nếu gọi SL là sản lượng tại điểm hoà vốn
- g là giá bán đơn vị sản phẩm
- CD là tổng số chi phí cố định
- Cb là chi phí biến đổi của một đơn vị sản phẩm
- Dh là doanh thu tại điểm hoà vốn
Thì tại điểm hoà vốn ta có:
Dh = SL x g = CD + SL x Cb (6.1)
⇒ SL x g - SL x Cb = CD
⇒ SL(g - Cb) = CD
⇒ SL = \(\frac{{CD}}{{g - Cb}}\) (6.2)
Từ đây ta viết lại công thức dưới dạng:
Dh = SL x g = \(\frac{{CD}}{{g - Cb}}\) x g = \(\frac{{CD}}{{\frac{{g - Cb}}{g}}}\) = \(\frac{{CD}}{{1 - \frac{{Cb}}{g}}}\) (6.3)
Trong các công thức tính toán trên, giả định là chi phí cố định trong kỳ không đổi, chi phí biến đổi tỷ lệ thuận với doanh thu.
Đồ thị điểm hoà vốn: Trong hình 6.1, trình bày doanh thu ở điểm hoà vốn. Doanh thu này tương ứng với giao điểm, đường đồ thị của tổng doanh thu và đường đồ thị của tổng chi phí:
Hình 6.1. Đồ thị biểu thị mô hình điểm hòa vốn
Ví dụ: Nếu doanh nghiệp chỉ sản xuất một loại sản phẩm và có chi phí cố định là 100.000 vnđ, giá bán đơn vị sản phẩm là 100 vnđ và nếu chi phí biến đổi mỗi sản phẩm là 60 vnđ, thì doanh thu tại điểm hoà vốn sẽ là:
Dh = \(\frac{{100,000}}{{1 - \frac{{60}}{{100}}}}\) = 250.000 vnđ
Phát triển mô hình điểm hòa vốn: Doanh nghiệp có thể xác định khối lượng sản phẩm sản xuất đạt được SLx nào đó, để đạt được số lợi nhuận mong muốn LNm, bằng cách điều chỉnh mô hình điểm hoà vốn theo công thức 6.2
SLx = \(\frac{{CD + L{N_m}}}{{g - Cb}}\) (6.4)
Ví dụ: Một doanh nghiệp bán một loại sản phẩm với giá bán đơn vị là 100 vnđ, chi phí biến đổi trong một đơn vị sản phẩm là 60 vnđ, tổng chi phí cố định là 1.000.000 vnđ. Nếu doanh nghiệp muốn đạt được mức lợi nhuận trước thuế là 200.000 vnđ, thì khối lượng sản phẩm phải sản xuất sẽ là:
SLx = \(\frac{{1.000.000 + 200.000}}{{100 - 60}}\) = 30.000SP
Những hạn chế và lợi ích của việc phân tích điểm hoà vốn.
+ Những hạn chế:
- Phải đưa ra giá thiết nhu cầu về sản phẩm là không hạn chế, giá bán cố định và các yếu tố khác không đổi.
- Phải đưa ra giả thiết là mối quan hệ tuyến tính giữa chi phí và doanh thu là không thay đổi.
- Tương lai được xem xét là tương lai gần và không có sự thay đổi về cơ cấu sản xuất.
+ Những lợi ích của việc phân tích điểm hoà vốn: Tuy có những hạn chế nhưng phân tích điểm hoà vốn vẫn được áp dụng, vì:
- Đưa ra được những chỉ dẫn về mức độ hoạt động tối thiểu cần thiết để doanh nghiệp có được lợi nhuận.
- Là công cụ hỗ trợ cho việc ra quyết định khi lựa chọn đầu tư vào sản xuất sản phẩm mới, đầu tư mở rộng hoặc hiện đại hoá sản xuất.
- Cho phép dự kiến được lợi nhuận.
- Giải thích chênh lệch giữa dự báo và thực hiện, chỉ rõ phạm vi nào thì sự sụt giảm lợi nhuận là do giảm số lượng sản phẩm tiêu thụ, tăng chi phí cố định hoặc chi phí biến đổi.
Tuy nhiên, phân tích điểm hoà vốn biểu diễn bằng biểu đồ, tác động của sự thay đổi doanh số bán đối với lợi nhuận, nhưng chưa đề cập đến cấp độ của đòn bẩy kinh doanh đế đo lường bằng phương pháp đại số, về tầm quan trọng của những thay đổi của doanh thu tác động đến lợi nhuận.
Viết bình luận